-
- TRANG CHỦ
- DỰ ÁN
- GIỚI THIỆU
- TÂM THƯ
- BÁO CÁO QUYÊN GÓP
- QUYÊN GÓP
- LIÊN HỆ
- HÌNH ẢNH
- VOV
- TIN TỨC
- VIDEO TỪ THIỆN
- AUDIO WooCommerce not Found
- Newsletter
Những ngày giáp Tết Tân Mão, những thành viên trong tổ chức Trọn vẹn ước mơ - Dreams Fulfilled Realief Organization (DFRO) lại bắt đầu hành trình xuyên Việt, mang theo mùa xuân đến với những bệnh nhân phong ở cả 3 miền của đất nước.
Chia sẻ cùng những ước mơ bé nhỏ
Minh Hiếu và các thành viên của DFRO đã tự nguyện trang trải kinh phí cho Hành trình xuyên Việt đầu tiên vào tháng 1-2008, đến thăm 17 trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật trên một số miền đất nước. Nhận thấy các em còn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, chị Minh Hiếu đã xây dựng một kế hoạch làm việc tận tâm và khoa học để phát triển DFRO, làm tiền đề cho những công trình thiết thực và lâu bền cho các trẻ em nghèo trong nước. Chương trình “Cha mẹ tình thương” được hình thành từ đó.
Trong hành trình xuyên Việt những lần tiếp theo, DFRO đã đến với những trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, đến thăm những gia đình nghèo nhất ở những xã nghèo nhất của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc… Chị Minh Hiếu cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm các nhà tài trợ bởi có những em học rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên phải bỏ học. Từ những con người này sẽ tạo ra những cuộc đời khác và góp phần xây dựng đất nước mình”. Cùng với chương trình “Cha mẹ tình thương”, tổ chức DFRO còn triển khai một số dự án nhân đạo khác ở Việt Nam. Đó là dự án Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị thành phố Hải Phòng, khai trương ngày 29-11-2008. Thầy Nguyễn Văn Chuyền, Hiệu trưởng trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng bày tỏ, những gì DFRO mang đến không chỉ là hỗ trợ về trang thiết bị dạy học, hay là sự cải thiện bữa ăn hàng ngày, mà chính những yêu thương, chia sẻ như thế đã đem lại cho các em niềm tin, để từ đó thoát khỏi những mặc cảm, vững bước vào cuộc sống sau này. DFRO cũng đang có dự án hỗ trợ cơ sở nuôi dạy và hướng nghiệp trẻ khiếm thị ở cơ sở Bừng Sáng, số 266/5 Nguyễn Tri Phương, phường 4, quận 10 TP.Hồ Chí Minh. Các em học sinh khiếm thị của cơ sở Bừng Sáng là những em nghèo và mồ côi từ khắp nơi vê, sống phần lớn phụ thuộc vào lòng nhân ái của các nhà hảo tâm. Trong hành trình xuyên Việt của mình, DFRO đã dừng lại ở nơi đây với kế hoạch vận động xây dựng trung tâm nuôi dưỡng hướng nghiệp trẻ mồ côi, khuyết tật. Những dịp Trung Thu, Tết thiếu nhi 1/6, các tình nguyện viên của DFRO đã đến đây, cùng các em nhỏ tật nguyền tạo nên những sân chơi bổ ích. Những ước mơ bé nhỏ đã được chia sẻ, như cậu bé Hiếu mong sao học được thật tốt để không phụ lòng thầy cô và các anh chị, hay cô bé Duyên thì chỉ mong các anh chị sớm quay trở lại, thắp lên niềm vui trong lòng cô gái nhỏ và các bạn khiếm thị nơi đây.
Xuyên Việt với chương trình “Mùa xuân vẫn đến”
Tiếp tục triển khai các dự án đã có, chương trình đầu tiên của năm thứ ba kể từ khi đi vào hoạt động, DFRO có thêm những người bạn đồng hành không chỉ ở Canada mà còn là những kiều bào từ New Zealand và Mỹ. Từ cách xa nửa vòng trái đất, những trái tim nhân ái đã đem lại mùa xuân cho những bệnh nhân phong ở cả ba miền của đất nước.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là trại phong Bến Sắn tọa lạc ở xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tại đây có hơn 730 bệnh nhân với 240.000 đồng trợ cấp hàng tháng cho mỗi người. Một ngày ở Bến Sắn, tất cả đã cùng nhau chia sẻ bữa cơm trưa, giản dị nhưng đầy ắp tiếng cười. Những chiếc xe lăn để hỗ trợ cho việc di chuyển của các bệnh nhân nặng, những chiếc nệm chống loét… đã được trao tặng với bao cảm thông, thương mến. Tiếp tục cuộc hành trình, DFRO cũng đến với những bệnh nhân của trại phong Quy Hoà, Quy Nhơn, Bình Định, trại phong Di Linh, Lâm Đồng, và cả trại phong Văn Môn, Thái Bình. Là bệnh viện điều trị bệnh phong ra đời sớm nhất ở Việt Nam, trại phong Văn Môn được thành lập cách đây hơn 1 thế kỷ, là nơi cư trú của bệnh nhân phong khắp vùng miền Tổ quốc. Gần 700 người bệnh ở đây đã và đang được chữa trị tích cực, cuộc sống có phần bớt khó khăn, nhưng vẫn còn đó những mặc cảm không dễ gì xoá bỏ. Bà Nguyễn Thị Nhật đã hơn 50 năm sống ở làng phong Văn Môn, phát hiện bệnh từ năm chưa đầy 30 tuổi, bà đã đến làng phong này, sống giữa những người đồng cảnh ngộ. Niềm mong mỏi được trở về quê hương vẫn luôn thôi thúc, nhưng ký ức về những tháng ngày bị ghẻ lạnh, xa lánh khi xưa lại níu bà ở chốn này. Không còn nghe tiếng hít hà vì cái rét thấu xương của xứ Bắc những ngày giáp Tết. Không còn tiếng thở dài đến não nuột, cũng không nhìn thấy ánh mắt lảng tránh của một ai đó. Chỉ còn lại tiếng hỏi thăm động viên của chị Hiếu, chị Thuỷ, anh Lộc, chị Huyền, anh Bằng, anh Justin Nghĩa… đến với các bệnh nhân. Các em nhỏ mắt long lanh, vui đùa với những quả bóng bay và những món quà mà cậu bé Richard Hoàng và chị Angel Nguyễn trao tặng. Những tiếng cười trong veo, những niềm vui rạng ngời như xoá đi mây mù của những ngày đông lạnh giá.
Ngoài kia, dường như mùa xuân đã đến. Và những lời ca, cũng chính là những điều muốn nói của những trái tim hồng, từ cách xa hàng vạn dặm lại cất lên, như sự đồng cảm và sẻ chia không biên giới. “Xin hãy tin vào buổi sớm mai những trái tim hồng tìm đến đây, yêu dấu trao người chẳng phôi phai trong nắng xuân tươi sum vầy”.
Hoàng Dương